Chuyến đi vòng quanh thế giới bằng Wave “cùi” của chàng trai Việt đã bắt đầu

Chuyến đi vòng quanh thế giới bằng Wave “cùi” của chàng trai Việt đã chính thức bắt đầu. Có dịp trò chuyện với Đăng Khoa cách đây vài tháng, MotoSaigon hết sức bất ngờ khi biết được Khoa đang ấp ủ chuyến đi có thể nói là “không tưởng”: Chạy xe vòng quanh thế giới, vượt qua hơn 45.000 cây số, 30 quốc gia trong 600 ngày. Khoa gửi bản đồ cung đường mà mình sẽ trải qua cùng hàng loạt danh sách vật dụng  (To-do-list) được liệt kê rất chi tiết và bài bản.

Trước đây, Khoa cũng từng có rất nhiều kinh nghiệm đi tour qua các nước Châu Á và Châu Âu… nổi bật là chuyến đi xuyên 7 nước Đông Nam Á cũng trên chiếc Wave “cùi”.

Chuyến đi từ Saigon qua Pháp bằng Wave “cùi” của chàng trai Việt đã bắt đầu

Ban đầu, chia sẻ với moto saigon… Khoa chỉ dự định đi từ Việt Nam sang Pháp với cung đường như trên: vượt qua  20.000km, 20 quốc gia trong 200 ngày… Sau đó, xác định đây sẽ là chuyến đi để đời, tại sao mình không đi xa hơn nữa…

Khoa đã thay đổi lịch trình và quyết định đi vòng quanh thế giới với 45000km vượt qua 30 nước và thời gian dự kiến là 600 ngày.  Khoa chia sẻ với Motosaigon:

“Nhiều người nói đi bằng niềm tin à, thì đúng rồi chứ còn gì nữa, mình tin khả năng mình làm được, mình tin và hiểu xe mình, biết khả năng và giới hạn của nó, tin rằng nó có thể vượt qua vùng hoang mạc giữa Pakistan và Iran cũng như vượt qua mùa đông châu Âu sắp tới hay lết qua được rặng Andes của Nam Mỹ, miễn là đi cẩn thận và đừng bỏ cuộc là được. Rất nhiều người trên thế giới đã làm được, và đi bằng những chiếc xe cũ kĩ và thiếu thốn phương tiện hơn nhiều, vì thế người Việt Nam KHÔNG CÓ LÍ DO GÌ mà không làm được như họ cả….”

Khoa (bìa trái) đã chuẩn bị rất chi tiết cho chuyến đi trong nhiều tháng trước khi khởi hành vào sáng nay 1/6/2017. Khoa cũng chia sẻ thêm:

“To-do-list dài hơn trăm món cũng đã vơi dần chỉ còn hơn 10 việc phải làm nữa thôi. Mình thì trước giờ vốn đã kĩ tính mỗi khi đi xa , mà chuyến này target lại đi quá xa và không biết khi nào mới về. Nếu mọi việc trơn tru thì sẽ đi qua rất nhiều quốc gia, nhiều loại địa hình, khí hậu, môi trường sống, nhiều hình thái xã hội, thể chế chính trị, gặp biết bao nhiêu con người với nền văn hóa khác nhau, nên càng phải chuẩn bị kỹ hơn nữa

Cùng với những trải nghiệm cực kỳ nhiều sắp có và sự háo hức khi bước ra thế giới, thì mình cũng phải chuẩn bị tâm thế để đối mặt với hàng loạt những rủi ro có thể xảy ra, và tất cả những rủi ro này tất cả đều phải tự xử lý một mình:

 

Tai nạn giao thông: đây là cái đáng lo và phải tập trung phòng tránh nhất có thể, mọi thứ khác có thể xử lý nhưng nếu gặp tai nạn thì rất rắc rối, với lại cũng đi bằng xe máy và cũng là phương tiện duy nhất trên cả chặng đường, nên không thể cứ leo lên xe nằm rồi đợi đến nơi được. Trước mắt cứ mặc áo quần nón bảo hộ đầy đủ và loại tốt để hạn chế thiệt hại về người nếu xảy ra tai nạn.

Hư hỏng xe cộ: Cái này cũng chuẩn bị được, mang ít đồ nghề và phụ tùng hay hư hỏng, hao mòn theo thay thế, còn nặng quá thì tìm chỗ sữa, không được nữa thì nhờ bạn ship qua.

Bệnh tật dọc đường: cái này cũng đỡ lo vì cơ bản sức đề kháng tốt, chủ yếu chú ý vấn đề thời tiết, mưa gió, đồ ăn thức uống và giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ là được.

Trộm cắp, cướp bóc, và thậm chí có thể là bắt cóc nữa: Do có vài đoạn phải đi gần sát các khu vực khá nhạy cảm ở Trung Đông và Nam Á nên nguy cơ này không phải không có, xử lý bằng cách hạn chế đi đêm và camping ở chỗ vắng vẻ. Tin vào trực giác của mình và tránh đi một mình ở các đoạn đường quá vắng vẻ…

Tuy nhiên, tính gì thì tính cũng không thể lường hết các rủi ro, cũng như không thể chu toàn mọi thứ, vì thế có cách thức nữa đơn giản mà hiệu quả, có thể backup hiệu quả là bảo hiểm du lịch.

Mà mình thấy lạ là kể cả các bạn hay đi du lịch nước ngoài cũng ít quan tâm vấn đề bảo hiểm này trong khi lợi ích là thấy rõ trước mặt. Toàn đến khi xảy ra rồi mới hối hận không à. Mình thì dù có đi 1 nước, 2 nước hay cả chục nước như lần này thì đều có thói quen mua bảo hiểm du lịch, không phải chỉ vì kỹ tính nha, mà là vì nó rất đáng đồng tiền bát gạo.

Sẵn đây nên chia sẻ luôn bảo hiểm du lịch tính ra so với chi phí chuyến đi không đáng bao nhiêu, nhưng cứ thử hình dung khi bạn chẳng may phải nằm viện, nhất là các nước “thế giới thứ nhất” có thể lên vài ngàn đô tiền nằm viện thuốc men. Hoặc đơn giản hơn là khi bị trễ hoặc hủy chuyến bay, thất lạc hành lý, hay cần trợ giúp y tế ở nước ngoài mới thấy có bảo hiểm du lịch nó quý như nào.

Hiện ở VN cũng có nhiều công ty cung cấp các gói bảo hiểm du lịch, nhưng nếu đi nước ngoài thì mình nghĩ nên mua bảo hiểm của công ty nước ngoài sẽ được support tốt hơn. Nói có sách, mách có chứng, bản thân mình mới mua bảo hiểm Cao Cấp cho phạm vi Toàn Cầu trong 180 ngày nè, vừa đủ cover cho chặng từ Sài Gòn tới Paris. Chặng còn lại mình sẽ renew trên đường. Hãng này mình mua là của Liberty. Dân du lịch quá nhẵn mặt với hãng này rồi, công ty bảo hiểm của Mĩ với uy tín đã được khẳng định, dịch vụ thì đơn giản, nhanh chóng.

Khoa tại Thái Lan trong hành trình xuyên 7 nước Đông Nam Á trước đây vào năm 2015.

Với những kinh nghiệm có được qua các chuyến đi trước đây và sự chuẩn bị kỹ lưỡng như trên, có thể thấy Khoa rất nghiêm túc trong chuyến đi để đời này.

Cập nhật mới nhất, Khoa đã đến biên giới CAm – Việt 

Ngày 2: Đã đến Battambang

Battambang là thành phố nằm trên bờ sông Sangkae phía tây bắc của Campuchia. Battambang thường không được khách du lịch chọn làm điểm đến bởi không có bãi biển xinh đẹp và những ngồi đền cổ kính như Angkor Wat. Tuy nhiên, tại đây cũng có những điểm du lịch mang tính lịch sử… đáng khám phá như đỉnh đồi Sampeau, nơi có hang động “Killing cave” mà trong quá khứ, quân đội Khmer Đỏ dùng làm nơi chứa xác các nạn nhân chiến tranh vô tội, Khám phá các làng nổi trên hồ bằng thuyền kayak…

Khoa dừng nghỉ ngơi trên đường đến Battambang.

Khoa dành 4 ngày để băng ngang nước bạn Campuchia từ Cửa khẩu Mộc Bài / Bavet để đến thủ đô Phnom Penh, đến Kampong Chhnang, Battambang để đến Poipet sang Thái Lan.

Vương quốc Campuchia thì đã quá quen thuộc rồi nên không lưu lại lâu, với những ngày đầu xa nhà cũng buồn buồn, chưa thực sự hòa nhập vào “mood phiêu lưu” mới nữa, chắc phải mất vài tuần.

Campuchia thì đã quen thuộc với nhiều bạn nên không cần nói nhiều nữa, đặc biệt là tam giác du lịch Siemriep với những ngôi đền đài thời kì Angkor cổ kính, thủ đô Phnom Penh với các cung điện, các khu vực chứng tích chiến tranh thời Khmer đỏ và khu vực Sihanoukville với các bãi biển và đảo rất đẹp, hay như các nơi cũng khá phổ biến khác như Kep, Bokor, Kampong Cham, Biển Hồ.

Ngày thứ ba do đã ở khá sát biên giới Thái Lan nên dành hẳn một ngày nghỉ ngơi cho khỏi hẳn bệnh và cũng để lang thang thành phố Battambang, tp lớn thứ hai của Campuchia, một điểm du lịch ít được biết tới hoặc chỉ lướt qua. Thành phố không có nhiều khách du lịch nên cảm giác khá thoải mái, đến đây tự dưng nhớ Gò Công vì có nhiều công trình kiến trúc của Pháp hồi xưa vẫn còn giữ khá nguyên trạng và được tân dụng để làm các trụ sở hành chính. Hai điểm đáng nhớ hôm nay là cái Bamboo Train (xe lửa tre) và ngôi đền Ek Phnom cùng thời với Angkor Wat, Angkor Thom…

Xe lửa tre (Norry) là một sáng kiến khá sáng tạo của người dân khi tận dụng lại đường ray được xây dựng từ thời Pháp. Các “toa” là các sàn đơn giản đan bằng tre, chạy bằng động cơ thô sơ, bây giờ chỉ dùng để chở khách du lịch một đoạn ngắn chứ không đi xa về Phnom Penh hay sang Thái.

Người Campuchia như trước giờ vẫn dễ thương và hay cười, nhiều người có thể nói được vài câu tiếng Việt khá sành sỏi nữa. Đi lòng vòng Campuchia cũng cảm giác an toàn, đằng sau đôi mắt những người lớn tuổi vẫn còn có gì đó phảng phất nét buồn từ những ngày tang thương dưới chế độ Khmer Đỏ ngày xưa. Vì thế thật không ngoa khi các báo và các site du lịch hay gọi Campuchia là nơi hòa hợp giữa bóng tối và ánh sáng, giữa nỗi đau và những hy vọng về một tương lai mới tốt đẹp hơn. Những năm gần đây kinh tế đã tăng trưởng vượt bậc và nhiều cái có phần đã vượt qua Việt Nam.

Đóng gói xe cho lên máy bay vận chuyển sang Kathmandu Nepal.

14/6/2017: Khoa đã đến Kathmandu, Nepal

Trước khi sang  Nepal, Khoa đã ở Thái 10 ngày để trải nghiệm cuộc sống thành thị tại đây… Khoa chia sẻ:

“10 ngày ở đây chỉ loanh quanh BKK, phần vì đã tốn tiền ship quá nhiều phần vì muốn thử cảm giác lang thang ở một thành phố nhiều ngày xem thế nào, SG đã ở hơn 10 năm còn chưa biết hết huống hồ gì ở một thành phố có 10 ngày hơn nhưng cứ thử. Mình cũng cố gắng đi thử gần hết các loại hình giao thông ở đây xem thế nào, từ xe ôm, taxi, tuktuk, metro, train, SRT, buýt, ghe tàu đến…đi bộ. Người dân Thái bản tính hiền lành, rất nhường nhịn nhau và cố gắng tránh xảy ra va chạm hết mức có thể. Ý thức cũng thật tốt, đi xe ôm cũng xếp hàng đợi đến lượt mình. Đất nước Thái đang trải qua giai đoạn giao mùa giữa hai triều đại vua Rama IX (Bhumibol Adulyadej) và Rama X (Varijalongkorn), điều đã không xảy ra trong suốt 70 năm qua. Vị vua Rama IX cũng là vị vua trị vì lâu nhất đất nước Thái Lan và là một trong những vị vua cầm quyền lâu nhất trên thế giới. Người Thái có vẻ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau ấy và khắp nơi từ đời thật đến internet vẫn treo cờ tang và tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ khắp nơi.”

Motosaigon sẽ cập nhật liên tục hành trình vòng quanh thế giới của Đăng Khoa trong bài này… các bạn theo dõi nhé.

[fbcomments url="" width="100%" count="on" num="5" countmsg="wonderful comments!"]