HÌnh ảnh Cảnh sát giao thông (CSGT) thân thiện

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội bàn luận xôn xao về chuyện một nhóm cảnh sát giao thông (CSGT) ở Đà Nẵng có cách cư xử “đẹp” đối với các tài xế vi phạm. Một thành viên trên diễn đàn có tên Otofun thốt lên: “Đây là một điển hình người dân mong muốn CSGT các nơi noi theo”.

NuCSGT11.jpg

Thực hư của việc này thế nào? Tại sao cư dân mạng lại có những lời tán tụng đầy thiện cảm đối với CSGT?

Mắt thấy, tai nghe

17g chiều 15-7, tại nút giao thông bờ tây sông Hàn (Đà Nẵng), trung úy Thái Duy Kiên (đội điều khiển tín hiệu đèn giao thông Công an TP Đà Nẵng) liên tục hoạt động để điều tiết dòng xe ken đặc. Chừng năm phút sau, mọi việc tạm vãn hồi, trung úy Kiên bước lên vỉa hè đường Lê Duẩn. Đúng lúc đó, một chiếc xe máy của đôi vợ chồng trẻ cứ chạy lòng vòng quanh khu vực vốn được coi là điểm nóng giao thông. Trung úy Kiên đưa tay vẫy lại. Vừa dừng xe, người thanh niên hỏi giọng Hà Nội: “Anh cảnh sát ơi, chỗ nào đổ xăng chỉ giúp một tí”. Biết là người nơi xa đến, trung úy Kiên liền chỉ tay về hướng bờ sông Hàn: “Anh chị đi xuống đường Bạch Đằng rồi chạy một đoạn chừng 1km sẽ gặp cây xăng”. Nghe xong, anh thanh niên vẫy tay chào rồi hòa vào dòng người hối hả.

556593-399416276818516-643889550-n-1378182138999.jpg
Hình ảnh mang tính chất minh họa

Theo trung úy Kiên, ở nút giao thông này chuyện xe của các địa phương khác đi nhầm vào đường cấm vẫn thường xảy ra. Gặp những trường hợp như vậy, thay vì lập biên bản xử phạt, các cán bộ CSGT ở đây chỉ nhắc nhở, chỉ dẫn đường. Chừng hai tuần trước một xe khách của Lâm Đồng vô tư chạy lên cầu sông Hàn (cấm xe khách loại 30 chỗ lưu thông), trung úy Kiên và trung sĩ Phạm Hồ Tấn An liền ra hiệu lệnh dừng xe. Do đường đông, tài xế Vinh không nghe được tiếng còi hiệu của CSGT nên tiếp tục cho xe lên cầu.

Trung úy Kiên và trung sĩ An phải dùng môtô chuyên dụng chạy theo sau xe khách. Khi xe qua hết cầu sông Hàn, nhóm CSGT mới ra lệnh cho tài xế dừng lại để kiểm tra giấy tờ. Sau khi xuất trình đầy đủ các giấy tờ, tài xế trình bày từ địa phương khác đến, không rành đường nên đi vào đường cấm. “Trong trường hợp này, nếu theo luật thì mức xử phạt là 1 triệu đồng, tước giấy phép lái xe một tháng. Nhưng đây là tài xế đến từ nơi khác nên chúng tôi thống nhất không xử phạt và chỉ đường cho họ về Hội An” – trung sĩ An nói.

Là người trong cuộc tận mắt chứng kiến, anh Hữu Cường (trú Tam Kỳ, Quảng Nam) hào hứng kể lại câu chuyện mà cách đây chưa lâu khi anh cùng người bạn ở Hà Nội đi ôtô từ Hội An ra Đà Nẵng. Tài xế là anh Hòa không rành đường nên chạy xe vào đường Phan Châu Trinh (đường một chiều).

“Lập tức CSGT xuất hiện. Sau khi kiểm tra giấy tờ, biết đây là người ở Hà Nội vào, chưa quen đường Đà Nẵng nên nhóm CSGT chỉ nhắc nhở. Tôi rất ấn tượng với cách hành xử của họ” – anh Cường kể. Ngay sau đó, anh Cường viết và đưa câu chuyện của chính mình lên mạng. Câu chuyện của anh Cường lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, được các trang mạng xã hội chia sẻ, bình luận.

Chị Xuân, một người có gần 24 năm bán hàng nước ngay tại khu vực nút giao thông phía tây cầu sông Hàn, cũng cho biết: “Việc xe đi vào đường cấm hay chạy nhầm lên cầu sông Hàn không còn bị CSGT xử phạt như trước đây. Phần lớn họ chỉ bị công an gọi đến nhắc nhở rồi cho đi”.

Chủ trương của thành phố du lịch

Trung tá Trần Viết Thanh – phó đội điều khiển tín hiệu đèn giao thông (PC67 Đà Nẵng) – cho biết do đặc điểm tại nút giao thông đầu cầu sông Hàn lưu lượng người qua lại đông đúc, dễ ùn tắc, nên từ tháng 6-2012, Đà Nẵng cấm ôtô đi qua cầu vào giờ cao điểm.“Những ngày hè nhiệt độ ngoài đường phố có lúc lên đến 40 độ, xe cộ đông đen, còi xe inh ỏi, khói mù mịt, nếu người CSGT không có sức chịu đựng thì khó trụ nổi. Tụi tôi hay đùa, mùa hè là mùa tắm biển của du khách, người dân nhưng là mùa “nướng thịt” của anh em” – trung tá Thanh chia sẻ.

Trung tá Thanh cho biết chủ trương của chính quyền TP Đà Nẵng là nếu phát hiện khách du lịch hay người ở địa phương khác đến vi phạm các lỗi như đi ngược chiều, không đúng làn đường… thì lực lượng CSGT chỉ nhắc nhở, hướng dẫn, không nên xử phạt vì họ chưa quen đường. “Nếu phát hiện xe của khách du lịch đi sai đường, việc đầu tiên là cán bộ ngoài hiện trường phải báo cáo về chỉ huy để xin ý kiến.

Sau khi kiểm tra thấy tài xế có đủ giấy tờ hợp lệ thì chỉ nhắc nhở, đồng thời ghi vào nhật ký” – trung tá Thanh nói. Trong trường hợp lái xe là người Đà Nẵng thì xử phạt nghiêm theo luật định, bởi “anh là người địa phương, đáng lý anh phải rành đường nhưng anh lại vi phạm thì không chấp nhận được”.

406126-378562862239418-1743517611-n-1378182119951.jpg
Hình ảnh mang tính chất minh họa

Trung tá Thanh còn nói không riêng gì nút giao thông đầu cầu sông Hàn, từ khi TP Đà Nẵng thực hiện việc phân làn đường xe trên các đường lớn (đầu năm 2012), CSGT luôn được quán triệt là tạo điều kiện cho du khách nếu họ lỡ vi phạm. Theo đại úy Trần Quốc Bình (nay chuyển sang đơn vị khác), có hôm gặp đến 15 trường hợp xe ngoại tỉnh vi phạm vào đường cấm, chủ yếu là xe Hà Nội và TP.HCM đến Đà Nẵng du lịch. “Họ không rành đường thì mình nhắc nhở. Chứ phạt là họ không phục mình” – đại úy Bình tâm sự.

“Thực tế, nếu CSGT Đà Nẵng cũng giống như nhiều tỉnh khác cứ theo luật mà phạt thì lái xe phải chấp nhận thôi. Nhưng làm gì cũng phải có cái tình, họ ở xa đến không quen đường thì mình nhắc nhở, hướng dẫn. Lần sau họ có tới sẽ nhớ mà tránh việc vi phạm. Đó cũng là cách xây dựng hình ảnh đẹp của Đà Nẵng trong mắt bạn bè khắp nơi khi đến đây”- phó trưởng Phòng CSGT Đà Nẵng – thượng tá Lê Ngọc nói. Theo lời thượng tá Ngọc, những CSGT nào thể hiện thái độ lịch sự, gần gũi với người dân, du khách thì trong mỗi buổi giao ban đều được lãnh đạo phòng biểu dương.

ĐĂNG NAM – ĐOÀN CƯỜNG
Theo Tuổi Trẻ

[fbcomments url="" width="100%" count="on" num="5" countmsg="wonderful comments!"]