Kinh nghiệm đi phượt Tây Tạng bằng xe máy moto pkl

Kinh nghiệm đi phượt Tây Tạng bằng xe máy moto pkl. Hành trình chinh phục “nóc nhà thế giới” đầu tiên bằng mô tô của đoàn Việt Nam đã kết thúc sau 23 ngày ròng rã. Là những người tiên phong, hiển nhiên các anh đã gặp nhiều khó khăn không lường trước được; nhưng từ đó, các thành viên đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý giá dành cho những ai đam mê thử thách và cũng muốn được một lần “chinh chiến” cung đường khó khăn như vậy.

Cùng Motosaigon tham khảo những chia sẻ đáng giá về những kinh nghiệm đi phượt Tây Tạng, do các thành viên tham gia chuyến chinh phục “Nóc nhà thế giới” Everest Base Camp vừa qua.

Kinh nghiệm đi phượt Tây Tạng bằng xe máy moto pkl

Hình ảnh đoàn mô tô Việt sau khi chinh phục Everest Base Camp

Hành trình khắc nghiệt kéo dài hơn 8.500 km

Với mỗi hành trình, lên lịch trình là điều đầu tiên phải cân nhắc, tính toán. Hành trình từ Việt Nam đến Tây Tạng kéo dài hơn 8.500 km. Đó là một quãng đường thực sự dài cần tính toán cẩn thận để sao cho phù hợp với các thành viên trong đoàn: Nên chọn cung đường nào? Tỷ lệ off-road là bao nhiêu để vừa sức với các thành viên? Nên đi qua các điểm nào để thưởng thức cảnh đẹp?… Mặc dù trước khi bắt đầu hành trình chinh phục Tây Tạng này, đoàn đã cử người đi tiền trạm trước các đoạn đường để đánh giá độ off-road như thế nào nhưng thực tế vẫn có nhiều điều vượt ngoài dự đoán.

Những đoạn đường off-road bào mòn sức lực biker

Ví dụ như có nhiều đoạn phải đổi cung đường đột ngột từ on-road qua off-road do có tai nạn phía trước hay có nhiều đoạn khi đi tiền trạm bằng ô tô thì thấy không vấn đề, nhưng khi dùng mô tô vượt qua thì quá khó, có những lúc các anh mất cả tiếng đồng hồ chỉ để vượt qua quãng đường dài 1 km…

Khoảnh khắc nghỉ ngơi trên xe tại các điểm dừng chân là giây phút vô cùng quan trọng

 

Chỉ 5-10 phút chợp mắt ngay trên yên con chiến mã của mình sẽ giúp các biker tỉnh táo hơn nhiều cho chặng đường tiếp theo

Chính những điều vượt ngoài dự đoán đó đã khiến lịch trình kéo dài hơn dự kiến, mỗi ngày các anh phải mất từ 14-16 tiếng di chuyển trước khi đến được trạm nghỉ tiếp theo.

Các thành viên tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức giữa các chặng đường

Sau khi xác định được lịch trình, các thành viên tham gia phải chuẩn bị và kiểm tra xe cẩn thận như: Lốp xe có chạy được off-road hay không? Lốp đã mòn chưa, có cần thay hay không? Thắng xe có hoạt động tốt không? Phuộc có chịu được cung đường sắp tới không? Động cơ máy có hoạt động ổn định khi đi cung đường dài và đặc biệt trong thời tiết âm độ không?… Việc chuẩn bị 1 chiếc xe tốt đã đóng góp vô cùng quan trọng cho thành công chinh phục cung đường Tây Tạng của các thành viên trong đoàn. Dù đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vẫn xảy ra sự cố như gãy khung thùng đồ khi chạy đoạn off-road, lốp xe bị cán đính, xịt phuộc…

 
Thành viên trong đoàn cùng nhau kiểm tra, sửa chửa xe có vấn đề

Sau khi chuẩn bị kỹ về lịch trình và xe, điều tiếp theo phải làm là trang bị cho người. Hành trình chinh phục nóc nhà thế giới là một hành trình khắc nghiệt thử thách cao độ cho tinh thần và sức khỏe con người.

Đoàn xe vượt qua bão tuyết lạnh giá

Thử thách thời tiết khắc nghiệt như: chỉ trong 10 phút chạy xe, nhiệt độ thay đổi từ 40 độ C xuống còn – 4 độ C, hay khi đứng ở đỉnh núi thì phía trước mặt là đóng băng nhưng phía sau gáy thì nắng cháy da thịt.

Đường đi thường xuyên xen lẫn giữa nắng nóng cùng những đoạn đóng băng.

 

Anh em dừng chân nghỉ tại các gốc cây anh đào tránh nắng gắt

Chỉ cần sơ xảy chạy trên các đoạn đường bị đóng băng là việc trượt xe dễ dàng diễn ra. Có thành viên khi xuống xe chụp hình thì xe cũng bị trượt ngã. Hay có những lúc chạy xe ngoài đường nắng quá gắt, anh em chạy vào nghỉ mát dưới gốc cây cũng bị trượt ngã do băng đóng chỗ râm.

Xe mô tô phủ tuyết sau một đêm ngoài trời

Có những lúc chạy qua các đoạn bão tuyết, đóng kính mũ bảo hiểm xuống thì không thấy đường, mở kính lên thì chỉ cần sau 1 đoạn là mặt phủ đầy tuyết lạnh cứng. Do đó, việc chuẩn bị trang phục, thuốc men… là điều rất quan trọng.

Anh em phải chống chọi chạy xe trong thời tiết giá lạnh

Bên cạnh những thử thách về thời tiết, mọi thành viên còn phải chịu những khó khăn về “hiệu ứng cao nguyên” như: thiếu oxi, buồn ói, đau đầu, chảy máu mũi, chảy máu tai… Anh em phải khắc phục bằng nhiều cách: Sử dụng bình oxi, trông coi nhau lúc ngủ, không thở bằng mũi để tránh chảy máu mũi,…

Bình oxi luôn là hành trang luôn luôn có bên người của các thành viên khi đi vào vùng núi cao

Sức khỏe mọi người còn bị thách thức mỗi khi hoàn thành các đoạn off-road, các thành viên kiệt sức đến nỗi không thể cầm vững được điếu thuốc để hút, không nâng nổi tay lên để di chuyển… Có thành viên mệt quá, khi dừng chân không cần cởi đồ giáp ngoài, cứ vậy ăn uống rồi đi ngủ luôn. Vậy mới thấy độ quan trọng của việc rèn luyện sức khỏe trước các hành trình.

Anh em hút điếu thuốc cho ấm người

Sau chuyến đi, các thành viên trong đoàn đã rút ra được những kinh nghiệm thực tế cho việc lựa chọn đồ quần áo nào là phù hợp để mang theo cho những hành trình như này. Có thành viên chia sẻ chỉ dùng được 30% số đồ mang theo, có thành viên thì đi đến đâu bỏ lại đồ đến đó do không đủ sức mang theo. Vậy cần phải chọn đồ như thế nào cho phù hợp khi chạy đường dài và chinh chiến trên các cung đường có thời tiết như Tây Tạng?

Hồ Tây Tạng ở độ cao 4900m, mang đến cái lạnh thấu xương giữa trời nắng

Ở Tây Tạng, thời tiết lạnh phần nhiều là do gió, đặc biệt là khi chạy qua các vùng hồ nước, hơi nước bốc lên cùng gió cuốn, mang lại cái rét làm đông cứng người. Do đó, điều quan trọng phải lựa chọn là quần áo phải có khả năng chống gió để giữ ấm.

Anh em phải trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ và giữ ấm trong suốt hành trình

Bên cạnh đó là bộ giáp bảo vệ bên ngoài. Điều này vô cùng quan trọng vì trong mỗi hành trình, dù không muốn xảy ra nhưng tai nạn là chuyện không thể tránh khỏi. Có nhiều thành viên trong đoàn đã được bảo vệ an toàn bởi trang bị giáp đầy đủ sau các vụ trượt ngã xe.

Đồ bảo hộ là hình ảnh xuất hiện xuyên suốt cùng mỗi biker trên hành trình chinh phục

Sau tất cả, điều cuối cùng mang đoàn đi được đến cuối hành trình, chinh phục thành công Everest Base Camp – Tây Tạng chính là tinh thần kiên cường, bền bỉ cùng đam mê chơi xe của biker. Dù mới bắt đầu có tinh thần rực lửa đến đâu nhưng sau những ngày khó khăn kiệt sức, thân thể rệu rã mệt mỏi thì cũng có lúc nản lòng, ngồi trên xe không còn cảm giác vui sướng như ngày đầu mà bắt đầu đặt câu hỏi vì sao mình lại tham gia hành trình này, vì sao mình lại bỏ tiền để hành xác như vậy…

Đoàn biker Việt Nam hoàn thành giấc mơ chinh phục Tây Tạng bằng mô tô

Tuy vậy, các anh vẫn vững bước đến ngày cuối cùng vì giấc mơ chinh phục “nóc nhà thế giới” – Tây Tạng.

Offroad School Vietnam – Trường đào tạo kỹ năng lái xe địa hình

TỔNG KẾT KINH NGHIỆM CHUẨN BỊ CHO TOUR VÀ KINH NGHIỆM XỬ LÝ TRÊN ĐƯỜNG

1. Chuẩn bị cho xe
Thùng đồ 2 bên: Chiến mã có cặp thùng 2 bên là một lợi thế. Bởi vậy, cần gia cố thùng cho chắc để không bị rơi dọc đường. Do hành trình có nhiều đoạn offroad nên cần chọn loại thùng chất lượng tốt, bát cứng ổn định trên thân xe.
Lốp xe: Nên chọn loại lốp đa địa hình, tránh được trơn trượt.
Phuộc xe: Sắp xếp cho cân đối hai bên sức nặng bằng nhau, trải đều tải để ko bị xì phuộc.
Cách chạy: Chạy nương theo xe, dìu dắt qua địa hình xấu, không chạy vào đường xấu với tốc đọ cao, như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng xì phuộc.
Đèn: Vì phải chạy 12-14 giờ mỗi ngày nên cần hệ thống đèn sương mù để rọi đường đêm, đường tuyết…

2. Chuẩn bị hành lý
Khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ thay đổi bất thường, hành lý hạn chế mang theo nặng.
Thiết bị bảo hộ: 1 bộ giáp dùng được như áo lạnh (thời tiết khô như Tây Tạng thì quần áo không bị nhanh bẩn, chỉ cần giặt 1-2 lần và khô nhanh), 1 nón bảo hiểm, 1 găng tay chống lạnh và 1 găng tay mỏng để đi trời nóng, 1 cặp ủng chống nước.
Trang phục mặc trong: Khuyến khích nên mang đồ mỏng và nhiều lớp. Đặc biệt cần áo có lớp len trong để giữ ấm (giáp đã hỗ trợ chống gió). 2-3 ngày mới tắm 1 lần nên đồ lót thì giặt, còn các áo giữ ấm hầu như không bẩn nên không cần giặt nhiều. Vì vậy quần áo mang theo vừa đủ, không nên mang nặng.
Trùm mặt: Rất quan trọng.
Nón bảo hiểm: Nên trang bị phim chống mờ như Pinlock, để không bị đóng sương, đóng hơi nước dẫn đến khó thấy đường. Ngoài ra nên chọn loại nón chất liệu carbon nhẹ, đỡ bị đau cổ.
Giày: Chọn giày nhẹ và dễ đi lại vì có thể phải mang đến hơn 10 tiếng.

3. Trong khi đi:
Đi với tốc độ chậm, tìm hiểu luật giao thông và quan sát từ 60-80 km/h.
Xe hơi chạy rất nhanh nên cần giữ đúng làn đường, không chạy qua làn đường khác.
Khi gặp địa hình xấu, đứng thẳng trên xe để giữ đều trọng tâm và sẽ giữ thăng bằng tốt hơn. Không bị chênh lệch đối trọng dẫn đến hư phuộc. Ngoài ra, với tư thế này, biker có thể nhảy ra khỏi xe trong trường hợp có tai nạn.
Khi dừng xe tại điểm nghỉ, nên chọn vị trí khuất hướng gió. Xe bị phủ tuyết sẽ khó khởi động.

4. Ăn uống, chuẩn bị cho cơ thể
Do địa hình cao, giảm áp suất và lạnh nên cần trang bị thức ăn dọc đường có lượng đường cao, cung cấp năng lượng nhanh (Socola, gel năng lượng).
Thức ăn ở cùng này có nhiều dầu mỡ nên cần chuẩn bị men tiêu hoá, chống đau bụng… hoặc đem theo mì gói, thức ăn nhẹ để thay thế. Không nên bỏ thức ăn địa phương vì đảm bảo sức khoẻ, cần chất béo để giữ ấm.
Bình oxi phải mua sẵn để phòng trường hợp khi thiếu oxi. Uống thuốc tuần hoàn não và vitamin hàng ngày.

Pitstop – Touratech

[fbcomments url="" width="100%" count="on" num="5" countmsg="wonderful comments!"]