Lễ ký kết hợp tác giữa Uỷ Ban ATGT và VAMM

LỄ KÝ KẾT HỢP TÁC GIỮA ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA VÀ HIỆP HỘI CÁC NHÀ SẢN XUẤT XE MÁY VIỆT NAM (VAMM) VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2016 VÀ CÔNG BỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ATGT NĂM 2015.

Ngày 04 tháng 08 năm 2016 tại Hà Nội, Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức Lễ ký kếthợp tác về An toàn giao thông giữa Ủy ban ATGT Quốc Gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam năm 2016”, đồng thời công bố những kết quả đã đạt trong khuôn khổ chương trình hợp tác năm 2015. Nổi bật trong đó là kết quả của ba nghiên cứu quan trọng về ATGT tại TP. Hồ Chí Minh và Tỉnh Thái nguyên dưới sự tài trợ từ Quỹ nghiên cứu ATGT của VAMM.

le-ky-ket-atgt-motosaigon-2

Tham dự buổi Lễ có Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Lãnh đạo các Bộ Giao thông vận tải; đại diện các Bộ: Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Y tế; Lãnh đạo các Cục: Cảnh sát giao thông, Xe máy Bộ Quốc phòng; Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Lãnh đạo một số Văn phòng Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải địa phương, đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ an toàn đường bộ toàn cầu, Tổ chức phòng chống thương vong Châu Á, đại diện các cơ quan liên quan, đại diện các nhóm nghiên cứu an toàn giao thông xe máy. Sự kiện cũng chào đón sự xuất hiện của ông Shigeo Yoshizawa, Chủ tịch Ủy ban ATGT – Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy quốc tế (IMMA), thành viên của Ủy ban nghiên cứu quy hoạch – Hiệp hội các ngành công nghiệp xe máy Châu Á (FAMI). Về phía VAMM có ông Yano Takeshi – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cùng các thành viên và đông đảo cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

le-ky-ket-atgt-motosaigon

Với thông điệp “Chung tay vì một môi trường giao thông Việt Nam an toàn”,Ủy ban ATGT Quốc gia và VAMM đã xây dựng chương trình hợp tác bền vững về ATGT (được ký kết lần đầu tiên vào ngày 04/02/2015) nhằm phối hợp thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền và đào tạo góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường bộ, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và phát triển giao thông đô thị hiện đại; giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe gắn máy và nâng cao kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người dân Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình, từ năm 2015, VAMM cũng đã thành lập Quỹ nghiên cứu an toàn giao thông tại Việt Nam nhằm thực hiện các nghiên cứu, đánh giá và đề xuất quan trọng về quản lý giao thông đô thị và giải quyếtvấn đề ATGT liên quan đến xe máy trên cả nước.

khuat-viet-hung-pho-chu-tich-atgt

Theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: “Chương trình phối hợp giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội VAMM năm 2015 đã mang lại nhiều đóng góp tích cực cho công tác nâng cao nhận thức của người dân và bảo đảm an toàn giao thông tại Việt Nam. Các kết quả từ những nghiên cứu khoa học độc lập, khách quan sẽ là các căn cứ quý báu cho việc đề xuất các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Kiến nghị các thay đổi về chính sách nhằm nâng cao an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc.”

Dai-dien-Yamaha

Ông Yano Takeshi – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết: “Với cam kết hợp tác lâu dài, chúng tôi xác định sẽ tiếp tục triển khai những chương trình, hoạt động hữu ích nhằm cải thiện môi trường ATGT nói chung, giảm thiểu số tai nạn liên quan tới xe máy nói riêng. Bên cạnh đó, VAMM cũng luôn mong muốn hợp tác với các cơ quan Chính phủ trong việc chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách quy hoạch và phát triển giao thông Việt Nam an toàn trong thời gian tới nhằm đưa ra những giải pháp toàn diện và nhiều ích lợi cho người dân khi tham gia giao thông.”

1. Tổng kết kết quả chương trình hợp tác năm 2015

Sau một năm hoạt động, chương trình hợp tác đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Một số kết quả nổi bật trong năm 2015 mà các thành viên VAMM đã thực hiện bao gồm các chương trình tuyên truyền, giáo dục đào tạo nâng cao nhận thức về ATGT cho 1.225.198 em học sinh tiểu học và trung học; 55.994 đoàn viên thanh niên và sinh viên; 1.102 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông; trao tặng 65.000 mũ bảo hiểm xe máy đạt chuẩn cùng với việc triển khai 446.431 chương trình hướng dẫn lái xe an toàn tới hàng trăm ngàn người dân trên cả nước. Các sản phẩm mới, công nghệ mới, an toàn hơn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường cũng đồng thời được nghiên cứu đưa ra thị trường.

an-toan-giao-thong-motosaigon

Đặc biệt, trong năm 2015, “Quỹ nghiên cứu ATGT xe máy tại Việt Nam” do VAMM và Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp thành lập đã hoạt động hiệu quả thông qua việc tài trợ thực hiện ba nghiên cứu với chủ đề: (1) Nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh; (2) Nguyên nhân tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em và giải pháp cho Thành phố Hồ Chí Minh; (3) Nguyên nhân tai nạn giao thông xe máy và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông xe máy tại Thái Nguyên. Kết quả các nghiên cứu đã cung cấp những thông số quan trọng về tình hình ATGT xe máy tại Hồ Chí Minh và Thái Nguyên, là cơ sở cho việc đề xuất những giải pháp nhằm cải thiện môi trường giao thông, và là nguồn tham khảo giá trị trong hoạch định chính sách quản lý và định hướng phát triển ngành công nghiệp xe máy tại Việt Nam.

Dai-dien-Honda

2. Tóm tắt nội dung 03 nghiên cứu ATGT do Quỹ An toàn Giao thông VAMM tài trợ thực hiện

Nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia

Thành phố Hồ Chí Minh, do PGS. TS. Chu Công Minh chủ trì:

– Nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đánh giá về tình hình sở hữu và sử dụng xe máy, qua đó đề xuất giải pháp cải thiện môi trường giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh.

– Theo nghiên cứu, xe máy là phương tiện di chuyển chính của người dân trong sinh hoạt hằng ngày. Mỗi hộ gia đình ở TP. Hồ Chí Minh có trung bình 4,12 thành viên, trong đó 2,29 người có việc làm và sở hữu 2,33 xe máy. Thói quen sử dụng xe máy của người dân là không dễ từ bỏ vì sự tiện lợi và tính kinh tế của phương tiện này trong khi các loại phương tiện công cộng khác chưa đủ hấp dẫn đại đa số người dân.

– Liên quan tới vấn đề ATGT xe máy, nghiên cứu cũng chỉ rõ tai nạn giao thông gây ra do nguyên nhân chủ quan chiếm tới 86% trong tổng các nguyên nhân. Trong đó, nhóm nguyên nhân do hành vi lái xe không an toàn (phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá gần, sử dụng điện thoại khi lái xe) chiếm 42,2%; nhóm nguyên nhân liên quan tới kỹ năng lái xe (phanh gấp, …) chiếm 21,2%; liên quan tới hành vi vi phạm luật ATGT (đi ngược chiều, uống rượu/bia khi lái xe,….) là 22,6% và nhóm nguyên nhân khách quan do môi trường lái xe (đường xấu, trời mưa, lái xe buổi tối) chỉ chiếm 14%. Việc sử dụng xe máy cũ cũng được khẳng định làm cho mức độ tai nạn nghiêm trọng hơn: với xe sử dụng từ 6-10 năm, tỉ lệ xe gặp tai nạn ở mức nhập viện có thể lên đến 40%; trong khi xe sử dụng từ 1-3 năm, tỉ lệ này chỉ có 7%. Tai nạn giao thông gây ra do người lái xe tự ngã và chính họ không biết rõ nguyên nhân thông thường không được thống kê chi tiết. Vì vậy, trong tương lai cần tăng cường công tác thống kê để có thể nắm bắt chặt chẽ hơn về tình hình tai nạn giao thông.

Dai-dien-SYM-

– Theo đó, các nhà nghiên cứu kiến nghị Chính phủ tiếp tục lãnh đạo các ban bộ ngành liên quan, cùng sự hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ từ phía các nhà sản xuất xe máy thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục ATGT với những cách tiếp cận hiệu quả nhằm nâng cao ý thức tuân thủ luật lệ giao thông của người dân, tăng cường các hình thức chế tài cụ thể đối với những hành vi tiềm tàng rủi ro tai nạn giao thông cùng chính sách quản lý thời gian sử dụng xe và kiểm định xe máy định kỳ để tăng yếu tố an toàn khi sử dụng xe.

Nghiên cứu về Nguyên nhân tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em và giải pháp cho Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Việt Đức, Đại học Việt Đức, do TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm chủ trì:

– Nghiên cứu đã chỉ ra nhiều thông tin quan trọng về vấn đề tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em hiện nay.

– Cụ thể, từ năm 2013 đến năm 2015, số lượng tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tại TPHCM tăng đáng báo động 190% và số lượng thanh thiếu niên tử vong vì TNGT tăng 217%. Trong đó, tỷ lệ học sinh cấp ba chiểm tới 70%, học sinh cấp hai 20%, còn lại học sinh tiểu học và mẫu giáo chiếm 10%. Tỉ lệ trẻ không đội mũ bảo hiểm là rất cao, cụ thể: mẫu giáo 80%, học sinh tiểu học trên 50%, học sinh cấp 2 và cấp 3 là trên 15%.

Dai-dien-Suzuki

– Tỉ lệ tử vong do TNGT ở học sinh cấp ba tăng từ 10 trẻ tử vong/100.000 trẻ lên 32.5 trẻ tử vong/100.000 trẻ trong giai đoạn 2013-2015. Nếu tính ở thời điểm 2015, tỷ lệ tử vong của nhóm học sinh này cao gấp 3-4 lần tỷ lệ tử vong vì TNGT nói chung ở TP HCM và cao gấp 8-9 lần nhóm học sinh cùng lứa tuổi ở các nước phát triển.

– Nhóm nghiên cứu kiến nghị Chính phủ đưa chương trình giáo dục về ATGT như một môn học trong chương trình đào tạo chính thức của các trường học trên toàn quốc, đồng thời phối hợp với gia đình và nhà trường thực hiện các hoạt động để nâng cao nhận thức về ATGT toàn diện cho các em, đặc biệt ở trẻ vị thành niên. Đồng thời, thực hiện dự án “Khu trường học an toàn – School Zone” gắn trách nhiệm của Nhà trường và Phụ huynh vào công tác đảm bảo ATGT cho học sinh khi đến trường. Ngoài ra, cần xem xét quản lý chặt chẽ việc điều khiển xe máy điện, xe đạp điện ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay.

Dai-dien-Piaggio

2.3. Nghiên cứu về Nguyên nhân tai nạn giao thông xe máy và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông xe máy tại Thái Nguyên được thực hiện bởi Công ty cổ phần phát triển đô thị bền vững, do TS. An Minh Ngọc, Phó Giám đốc Công ty chủ trì:

– Nằm trong khuôn khổ Quỹ nghiên cứu ATGT tại Việt Nam thực hiện năm 2015, đề tài nghiên cứu Nguyên nhân tai nạn giao thông xe máy và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông xe máy tại Thái Nguyên nhằm tìm hiểu thực trạng ATGT tại địa phương cũng như đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện ATGT trên địa bàn tỉnh.

– Kết quả nghiên cứu cho thấy ước tính trong một năm nhu cầu đi lại toàn tỉnh là khoảng 854,1 triệu chuyến đi, trong đó trên 75% chuyến đi có sử dụng xe máy. Bình quân xe máy trên đầu người là 0,5 nghĩa là cứ 2 người sẽ có 1 người sử dụng xe máy. Điều đó cho thấy xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính của cả người dân khu vực thành thị và nông thôn, miền núi. Do đó, việc đảm bảo an toàn giao thông cho người điều khiển xe máy là hết sức quan trọng.

chu-minh-cong-nghien-cuu-atgt-motosaigon-1

– Liên quan tới tai nạn giao thông xe máy trên địa bàn, kết quả nghiên cứu cho thấy tai nạn phần lớn xảy ra trên đường quốc lộ và đường đô thị (chiếm 68%), người điều khiển xe máy ở khu vực thành thị cũng đối mặt với nguy cơ tai nạn nhiều hơn ở khu vực nông thôn. Trong số ba nguyên nhân được nhóm nghiên cứu đánh giá thì yếu tố con người đóng góp tới 80% số vụ tai nạn giao thông, chủ yếu là vi phạm các quy tắc an toàn giao thông (vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia…) và thiếu kỹ năng xử lý tình huống. Đường xấu và thiếu ánh sáng đèn đường vào buổi tối gây ra khoảng 13% các vụ tai nạn. Ngoài ra, có mối liên hệ giữa vụ tai nạn và các phương tiện được sử dụng lâu năm.

– Trên cơ sở đánh giá những nguyên nhân tai nạn, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp về hạ tầng, con người, và chính sách nhằm điều chỉnh các hành vi tham gia giao thông, cụ thể: nâng mức phạt vi phạm, thiết kế hợp lý điều khiển giao thông một số khu vực để giảm vi phạm, cải tạo hạ tầng đường. Đặc biệt, cần thiết phải thiết lập các khóa đào tạo về kỹ năng lái xe an toàn và tiếp tục truyền thông mạnh mẽ để điều chỉnh các hành vi vi phạm giao thông, góp phần đảm bảo an toàn cho người sử dụng xe máy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

vu-anh-tuan-dai-hoc-viet-duc-motosaigon

Với những kết quả tích cực đạt được trong năm 2015, VAMM và Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục ký kết Biên bản thỏa thuận Chương trình phối hợp hưởng ứng năm ATGT Việt Nam 2016. Trong đó, VAMM chia sẻ kế hoạch hoạt động trong năm 2016, triển khai thực hiện các đề xuất mà ba nghiên cứu đã chỉ ra, đồng thời công bố tiếp gói tài trợ 1.000.000.000 VND (một tỷ đồng) tập trung cho dự án “Nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện”. Ban điều hành Quỹ nghiên cứu ATGT tại Việt Nam sẽ lựa chọn đơn vị thực hiện và giám sát triển khai dự án. Đồng thời, VAMM cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra thị trường những sản phẩm hiện đại, an toàn, thân thiện hơn, đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững cho xã hội và môi trường.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý & giải quyết các vấn đề về giao thông tại Việt Nam, VAMM cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế để đề xuất những giải pháp thiết thực, phù hợp với giao thông Việt Nam. Tại sự kiện ký kết, những chia sẻ của chuyên gia Shigeo Yoshizawa – Chủ tịch ủy ban ATGT, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy quốc tế về vấn đề cải thiện tình hình giao thông tại các nước trên thế giới được đánh giá không chỉ là những bài học kinh nghiệm giá trị, mà còn mở ra những hướng đi bền vững và lâu dài hơn trong thời gian tới cho các nhà quản lý Việt Nam.

Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) được thành lập theo Quyết định số 996/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ngày 26 tháng 8 năm 2013. Thành viên của Hiệp hội bao gồm: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam, Công ty SYM Việt Nam, Công ty Suzuki Việt Nam, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam.

[fbcomments url="" width="100%" count="on" num="5" countmsg="wonderful comments!"]