Những suy nghĩ sai lầm về moto !

Có những quan điểm phổ biến về môtô mà người chơi xe thường cho là đúng nhưng thực chất độ chính xác không phải tuyệt đối.

1. Lốp xe đua nhanh hơn lốp tiêu chuẩn:

Lốp trơn dành cho xe đua sử dụng cấu trúc cũng như chất liệu cao su đặc biệt, chỉ thích hợp với kiểu mặt đường đạt chuẩn tại các trường đua. Khi chạy ngoài đường công cộng, kiểu mặt đường, độ nghiêng không phù hợp sẽ khiến lốp trơn không thể bám đường và gây tai nạn.

2. Xe càng đắt càng tốt:

Thường với những sản phẩm khác, giá càng cao thì chất lượng cũng như tính năng mang lại càng tốt, nhưng đối với môtô điều này không hoàn toàn chính xác. Điển hình ở xe Italy, chiếc xe thương mại được đánh giá cao nhất của Ducati vẫn là Monster 696, tuy nhiên đây cũng lại là dòng xe rẻ nhất so với các xe khác của hãng. Những chiếc superbike đắt đỏ khác có thiết kế phù hợp nhiều với đường đua hơn là trong vai trò một phiên bản thương mại chạy đường công cộng.

3. Không có lỗi trong tai nạn với ôtô:

Nhiều người cho rằng xe hơi kích thước to lớn, tốc độ cao hơn môtô thường là nguyên nhân dẫn đến những vụ va chạm, nhưng thực tế thì ngược lại. Tay lái môtô với khả năng luồn lách lắt léo, bứt tốc tốt trên đường lại là lý do chính của những vụ tai nạn. Đặc biệt, theo thống kê của Visordown thì tỷ lệ tai nạn dễ đến nhất khi các rider di chuyển theo đoàn. Khi đó mỗi tay lái thường có xu hướng dồn sự tập trung vào bạn cùng nhóm mà ít để ý đến luồng giao thông xung quanh.

4. V-twin khỏe hơn I4:

Những đối thủ cùng phân khúc thường xuất hiện với hai loại động cơ chính là I4 và V-twin, và nhiều người sở hữu môtô cho rằng máy V sẽ mạnh mẽ hơn máy I. Điều này đúng với một anh chàng ngồi trên GSXR1000 bị vượt qua bởi Ducati Panigale. Nhưng trong những trường hợp khác thì câu trả lời là chưa hẳn.

Bởi lẽ kiểu bố trí xi-lanh chưa thể nói lên hoàn toàn sức mạnh động cơ, cũng như chỉ với cỗ máy thì chưa thể biết đường xe này hơn xe kia. Điều quan trọng nằm ở khả năng truyền mô-men lực sinh ra từ động cơ đến hệ thống truyền động, tới bánh xe và cuối cùng là xuống mặt đường. Hệ thống điều khiển quá trình đốt cháy, kết cấu hộp số, ly hợp, lốp xe và cả khung xe, giàn áo (fairing), tổng hòa các yếu tố mới tạo nên sức mạnh của mỗi chiếc môtô.

5. Xe mới tốt hơn xe cũ:

Tốt hơn ở điểm nào? Nhanh hơn hay mạnh mẽ hơn, rẻ hơn hay nhiều công nghệ hơn? Thật khó để đánh giá chính xác. Nếu một sản phẩm đang mang lại kết quả kinh doanh tốt cho công ty, phiên bản sau sẽ được nâng cấp nhiều hơn phiên bản trước thì điều này là đúng. Tuy nhiên, nếu như chính sách của công ty là cắt giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm hay chịu ảnh hưởng của những quy định khắt khe về khí thải, chắc chắn một số yếu tố then chốt của xe sẽ được tinh chỉnh, loại bỏ sao cho xe có thể bán rẻ hơn. Chắc chắn lúc này bạn sẽ không tự tin mà nói xe mới tốt hơn xe cũ nữa đâu.

6. Xe nhanh hơn với hệ thống kiểm soát độ bám đường:

TCS giúp lốp xe giữ mức ma sát phù hợp tức độ bám đường tốt khi xe tăng tốc, không bị trượt bánh đồng thời tối ưu hóa độ mở bướm ga so với tốc độ thực tế của bánh xe. Đối với những tay lái có kinh nghiệm họ biết tiết chế xe mà không cần dùng TCS. Nhưng đối với tay lái non kinh nghiệm thì TCS thậm chí không phát huy được tác dụng nếu không biết điều tiết tay ga hợp lý.

7. ABS làm mất đi hưng phấn lái xe:

Các tay lái kinh nghiệm thường tự tin vào khả năng điều tiết hành trình mà không cần dùng hệ thống chống bó cứng phanh ABS vì cho rằng nó làm mất cảm giác hưng phấn khi lái xe.Thực tế ABS chỉ kích hoạt khi xe thực sự ở vào trạng thái mất độ bám, có thể gây nguy hiểm xe cho cũng như người lái. Mà trong những khoảnh khắc đó, cảm giác hưng phấn có lẽ không còn, mà thế vào đó là sự mất bình tĩnh và hoảng loạn.

By Kima in Motosaigon.vn

[fbcomments url="" width="100%" count="on" num="5" countmsg="wonderful comments!"]