Mua xe nhập lậu bị tịch thu xe và phạt 50 triệu đồng

Câu chuyện mua phải xe gian và bị công an kinh tế bắt, tịch thu xe và phạt 50 triệu đồng đang lan truyền trên các mạng xã hội. Theo luật sư thì chỉ bị phạt từ 3-5 triệu, nhưng số tiền phạt lên tới 50 triệu đồng.

Theo anh Mạnh Tuấn (ở Lạng Sơn), anh mua chiếc xe phân khối lớn trị giá 9.000 USD nhưng không biết đó là xe nhập lậu.

“Tôi có giao dịch với một người tại TP HCM để mua chiếc xe moto phân khối lớn giá 9.000 USD. Tuy nhiên, tôi đi được một thời gian thì bị cảnh sát kinh tế bắt, họ nói sẽ tịch thu chiếc xe và phạt người sử dụng chiếc xe này 50 triệu đồng vì tiêu thụ xe nhập lậu. Do không biết gì về nguồn gốc chiếc xe, giờ tôi phải làm sao ?”

1.jpg
Hình minh họa

Trả Lời của luật sư:

Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.

Theo quy định tại Điều 258 Bộ luật dân sự thì:

Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Đối với trường hợp của bạn, bạn thực hiện giao dịch mua bán đối với tài sản là chiếc xe moto, đây là loại tài sản buộc phải đăng ký quyền sở hữu với cơ quan có thẩm quyền kể từ thời điểm chuyển nhượng.

Nếu là xe nhập lậu thì chắc chắn sẽ không có giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc của chiếc xe, giấy phép nhập khẩu xe (đối với xe nhập khẩu) hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông (đối với xe lắp ráp) được quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 36/2010/TT-BCA quy định về đăng ký xe ; Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Do đó bạn sẽ không thể làm thủ tục đăng ký biển số, đăng ký quyền sở hữu với chiếc xe tại cơ quan có thẩm quyền.

Vì vậy, bạn buộc phải biết về nguồn gốc của xe trước khi thực hiện giao dịch; trong trường hợp này, bạn không được coi là người chiếm hữu ngay tình cho nên bạn sẽ không được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản của mình.

Tại khoản 3 Điều 17, điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định: Người có hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu cũng phải chịu xử phạt hành chính với mức phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng.

Khoản 4 Điều 17 quy định hình phạt bổ sung đối với hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu được áp dụng là tịch thu tang vật.

Đối chiếu với trường hợp của bạn: Chiếc xe bạn mua có giá trị 9.000 USD

Trên cơ sở những căn cứ nêu trên, bạn có thể bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng; đồng thời có thể bị tịch thu tang vật. Mức phạt 50 triệu đồng mà cảnh sát kinh tế yêu cầu bạn phải nộp là quá cao và không đúng theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách
Công ty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự

Nguồn Soha.vn

[fbcomments url="" width="100%" count="on" num="5" countmsg="wonderful comments!"]