Những quy định và hình ảnh đẹp của CSGT Việt Nam !

Nói tới CSGT thì chắc có nhiều ý kiến trái chiều, và thời gian gần đây, hình ảnh CSGT đã trở nên đẹp và gần gũi hơn nhiều đối với các phương tiện giao thông. Để tiếp tục phát huy, các đồng chí cần chấp hành theo đúng các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung tuần tra kiểm soát của CSGT…

Trang phục, tác phong chỉnh tề

CSGT khi làm nhiệm vụ, phải mặc trang phục đúng theo quy định, không đeo kính màu đen, không nói chuyện riêng, không đọc sách, báo hoặc nghe điện thoại, không hút thuốc lá, đút tay túi quần, túi áo…

1.jpg
CSGT có trang phục, tác phong chỉnh tề khi làm nhiệm vụ.

Đứng đúng vị trí khi làm nhiệm vụ

CSGT không đứng ở nơi khuất, thiếu ánh sáng để bắt lỗi, xử lý người tham gia giao thông vi phạm. Thay vào đó, từng cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ phải đứng ở vị trí nằm trong tầm quan sát của người tham gia giao thông, kể cả việc triển khai chuyên đề kiểm tra tốc độ xe vi phạm. Đồng thời, các CSGT phải đứng đúng ở vị trí theo quy định.
Theo đó, khi kiểm soát tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường giao thông, cán bộ CSGT được phân công thực hiện nhiệm vụ dừng xe đứng ở vị trí thích hợp thuộc phần đường hướng xe cần kiểm soát đi tới; các cán bộ CSGT còn lại đứng ở lề đường hoặc trên vỉa hè cùng phía và về phía trước của cán bộ thực hiện nhiệm vụ dừng xe, với khoảng cách 3-5m.

Khi làm nhiệm vụ tại nút giao thông thì cán bộ CSGT đứng ở vị trí trung tâm nút. Nếu nút giao thông có bục thì phải đứng trên bục để chỉ huy, điều khiển giao thông, các cán bộ CSGT khác đứng ở mép đường ngang vạch dừng hoặc giữa tim đường ngang vạch dừng (đứng ở chiều đường chính, có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông hoặc phức tạp về trật tự, an toàn giao thông) để điều khiển giao thông và phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo quy định.

2.jpg
Không còn hiện tượng gọi CSGT là “anh hùng núp”.

Không tự ý lập chốt kiểm tra

CSGT có 3 phương thức tuần tra, kiểm soát công khai đó là: tuần tra, kiểm soát cơ động; kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông; kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông.

Khi lực lượng CSGT đang trên đường tuần tra, kiểm soát thì được dừng tại một điểm để kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, một điểm kiểm tra được dừng không quá 15 phút và không được dừng cùng lúc quá 03 xe. Ngoài ra, trong một tổ, chỉ CSGT có thẻ xanh mới được phép dừng xe.

3.JPG
CSGT kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông.

Chỉ dừng xe khi có dấu hiệu vi phạm

Theo quy định, khi không thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra hoặc theo chuyên đề (hoặc từ tin báo của người dân, hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền của cơ quan điều tra), CSGT chỉ được dừng xe khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm của người tham gia giao thông.

Và khi đưa ra hiệu lệnh dừng phương tiện, CSGT phải đảm bảo an toàn, không làm cản trở giao thông, tức phải ra hiệu lệnh khi xe cách 30 m (xe cơ giới) và 5 m với xe thô sơ. Đặc biệt, CSGT phải từ bỏ thói quen đột ngột bước từ trong ra giữa đường để dừng xe, không dùng gậy chĩa thẳng vào mặt người dân.

4.gif
CSGT không được ào ra đột ngột dừng xe.

“Chào hỏi khi đến và cám ơn khi đi”

Khi có hiệu lệnh dừng xe với bất cứ chủ phương tiện nào, CSGT cũng chào theo đúng hiệu lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp có dấu hiệu tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã hoặc có hành vi thiếu văn hóa…).

Sau khi thực hiện hiệu lệnh chào, trong trường hợp ra hiệu lệnh dừng xe khi phát hiện người tham gia giao thông có dấu hiệu vi phạm, CSGT nói: “Yêu cầu ông (bà, anh, chị…) cho chúng tôi kiểm soát các loại giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện”.

Trong trường hợp CSGT thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phải nói lời: “Xin lỗi ông (bà, anh, chị…) cho chúng tôi kiểm soát các loại giấy tờ liên quan và kiểm soát phương tiện”.

Sau đó, CSGT thông báo và giải thích rõ cho người đi đường về hành vi vi phạm an toàn giao thông. Chỉ khi chủ phương tiện đã nhận diện được lỗi vi phạm của mình thì mới tiến hành lập biên bản. Biên bản vi phạm hành chính được lập ít nhất hai bản, một bản giao cho cá nhân hoặc đại diện tổ chức vi phạm, một bản giữ lại dùng cho việc ra quyết định xử phạt và lưu hồ sơ.

5.jpg
CSGT giải thích lỗi vi phạm cho người dân.

Trường hợp không phát hiện vi phạm, CSGT cũng phải thông báo và nói lời: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị,…) đã giúp đỡ lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ.”

Trong suốt quá trình tiếp xúc với người dân, CSGT cần giữ thái độ ân cần, lời nói nhã nhặn và cười nhiều hơn.

6.jpg
CSGT hướng dẫn nội dung của Nghị định 171 cho người dân.

Giúp đỡ người đi đường

Những việc làm của các đồng chí CSGT như dọn dẹp đường phố, giúp đỡ người già, người khuyết tật qua đường, nhặt được của rơi – trả người đánh mất, tiếp sức mùa thi, dắt xe giúp người dân đi trong nước ngập, đưa trẻ lạc về nhà…là những điều mà mọi người dân mong được bắt gặp nhiều hơn nữa trên các tuyến đường.

7.jpg
CSGT tiếp sức mùa thi.

8.jpg
CSGT giúp người già qua đường.

9.jpg
CSGT đẩy xe giúp một phụ nữ đi trong nước ngập.

10.jpg
CSGT gom cá giúp người dân.

11.jpg
CSGT tìm người thân cho cụ già bị lạc.

Motosaigon.vn

[fbcomments url="" width="100%" count="on" num="5" countmsg="wonderful comments!"]